Ca sởi, sốt xuất huyết TP HCM tiếp tục tăng

25/01/2025
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Ca sởi, sốt xuất huyết TP HCM tiếp tục tăng

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ngày 26/11, số ca sởi tuần qua tăng gần 42% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca từ đầu năm lên hơn 2.100. Trước đây, số ca hàng tuần thường quanh 100, ba tuần trước lần lượt tăng lên 141; 167 và 211. Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức có số ca sởi cao.

Số ca sốt xuất huyết cũng tăng liên tục 10 tuần qua, cao nhất khu vực phía Nam, một trường hợp tử vong. Đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 12.700 ca sốt xuất huyết. Quận 1, TP Thủ Đức và quận 7 có số ca trung bình trên 100.000 dân cao. Dịch sốt xuất huyết thường tăng cao vào thời điểm cuối năm, mưa nhiều, thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và lây lan mầm bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Quỳnh Trần

Sở Y tế TP HCM nhận định di biến động dân cư và việc bỏ sót trẻ chưa tiêm tại trường học là nguyên nhân tăng số ca mắc sởi. Ngành y tế tiếp tục rà soát tiêm vaccine sởi cho trẻ. Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ 1-10 tuổi, từ hôm 31/8 - sau khi UBND công bố dịch, đến nay góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Nhóm trẻ 6-9 tháng tuổi vừa được tiêm từ 19/11, thay vì đợi đến 12 tháng tuổi như bình thường, sau khi được Bộ Y tế phê duyệt trong bối cảnh số ca bệnh ở nhóm tuổi này tăng cao.

Các quận huyện tiếp tục duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động tại mỗi địa phương, không bỏ sót trẻ chưa được tiêm vaccine sởi. Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ.

Với bệnh sốt xuất huyết, gia đình cần chủ động tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh loăng quăng. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, tránh nguy cơ diễn tiến nặng gây tử vong

Các địa phương tiếp tục phòng chống dịch, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết triệt để, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Kiểm soát chặt chẽ điểm nguy cơ gây dịch bệnh, không để phát sinh vật chứa nước phát sinh loăng quăng, muỗi, đặc biệt là trong các trường học, bởi chỉ cần một vật đọng nước vài ngày cũng sẽ thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Gần đây, vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vaccine là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, dùng nhang hay bình xịt muỗi, có thể cho trẻ nhỏ dùng thuốc thoa, tã hoặc khăn lau xua muỗi...

Lê Phương

Tin liên quan
Tin Nổi bật