Mẹ cho con bú có giảm nguy cơ mắc ung thư vú không? (Bảo Châu, 33 tuổi, Đồng Tháp)
Trả lời
Ung thư vú phổ biến ở phụ nữ, có xu hướng trẻ hóa. Hiện, chưa có cách ngăn ngừa hoàn toàn bệnh này. Tuy nhiên, cho con bú là một trong những cách góp phần giảm nguy cơ ung thư vú. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới, người mẹ cho con bú hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có phòng ngừa nguy cơ ung thư vú.
Hầu hết phụ nữ khi cho con bú không có kinh nguyệt trong thời kỳ này do thay đổi nội tiết tố (hormone). Điều này giúp cơ thể giảm tiếp xúc với estrogen - loại hormone thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư vú. Trong quá trình mang thai và cho con bú, mô vú cũng bong ra, góp phần loại bỏ tế bào có khả năng gây tổn hại DNA, ngăn ngừa ung thư vú phát triển.
Bạn có thể cho con bú đến hai tuổi như dự kiến nếu đủ khả năng, điều kiện sức khỏe. Sau 6 tháng, sữa mẹ cung cấp ít nhất một nửa nhu cầu dinh dưỡng của con. Bạn có thể dần dần cho bé ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc, trái cây và rau củ, kết hợp cho con bú.
Bác sĩ Vinh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở mẹ mà còn giúp trẻ phòng ngừa thừa cân hoặc béo phì sau này. Kháng thể của mẹ truyền qua sữa, đi vào cơ thể con có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Ngoài cho con bú, phụ nữ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh, hạn chế thức khuya, stress... Nên tự kiểm tra ngực, khám sức khỏe thường xuyên, tầm soát ung thư vú định kỳ để có thể phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.
BS.CKI Lê Ngọc VinhĐơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp