'ĐBSCL cần tự cởi trói để vươn mình'

24/01/2025
|
0 lượt xem
Mekong Thời Sự
'ĐBSCL cần tự cởi trói để vươn mình'

Thông tin được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra tại Diễn đàn Mekong Connect 2024, sáng 18/12.

Theo chuyên gia, biến đổi khí hậu đã có những tác động rõ rệt lên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí sớm hơn dự báo của Liên hiệp quốc. Dự báo trước đây phải đến 2050 hay 2100 mới có những tác động lớn, song năm 2016 vùng đã xảy ra đợt hạn hán kỷ lục. Nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu và tác động từ thượng nguồn Mekong.

Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Bích

Trong bối cảnh cả nước đang chuyển sang phát triển xanh, bền vững, bà Lan cho rằng ngành nông nghiệp ở miền Tây cần chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng hệ sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nhất là nguồn nước. "Chúng ta vừa bị tác động bởi thượng nguồn sông Mekong nhưng phải nhìn nhận việc lãng phí nguồn nước và tài nguyên là lỗi lầm cần khắc phục", bà Lan nói.

Để ĐBSCL vươn mình, bà Lan cho rằng toàn vùng đang có nhiều cơ hội như Nghị quyết 120 của Chính phủ về chuyển hướng phát triển thuận thiên; cơ chế trao quyền, phân cấp tối đa cho địa phương. Từ đây các tỉnh có thể chủ động đưa ra những quyết sách phù hợp, không trông chờ xin ý kiến. Ngoài ra, với phương châm phát triển thuận thiên, vùng có thể chuyển trọng tâm sang thủy sản, cây ăn trái thay cho tập trung vào cây lúa.

Thu hoạch lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: Thủy Tiên

"Nếu chỉ trồng lúa ĐBSCL không có cách nào giàu được. Vùng phải tự khắc phục những điểm yếu, phải tự cởi trói để vươn mình, đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cũng như nâng cao thu nhập của người dân", bà Lan nhận xét và lưu ý thêm về những thách thức như tinh thần dám nghĩa dám làm, nguồn lực và điểm nghẽn về cách triển khai cụ thể, bởi các địa phương vẫn còn loay hoay.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TP HCM - trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước, chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị cho vùng.

Bộ trưởng cho rằng ĐBSCL dần khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khởi nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, công nghệ xanh, thúc đẩy thương mại bền vững, tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của địa phương.

"Đây là hướng đi đúng đắn để bắt kịp xu thế của thế giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng", Bộ trưởng nói.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Ngọc Bích

Theo ông Đạt, đầu năm 2024 Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL nhằm cung cấp giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ thích ứng tác động thượng nguồn sông Mekong. Chương trình nhận được hơn 180 đề xuất từ các bộ, ngành, các nhà khoa học và đang trong quy trình chọn nhiệm vụ ưu tiên.

ĐBSCL diện tích trên 40.000 km2, dân số trên 20 triệu người. Nơi đây đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản và 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên vùng cũng chịu nhiều tổn thương, thách thức của biến đổi khí hậu, mất phù sa, khan hiếm nước ngọt, sụt lún, xâm nhập mặn...

Mekong Connect là diễn đàn thường niên, cầu nối giữa các tỉnh ĐBSCL với cả nước, diễn ra lần đầu tiên năm 2015. Năm nay diễn đàn có chủ đề "Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa ĐBSCL - TP HCM và cả nước hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới".

Ngọc Tài

Tin liên quan
Tin Nổi bật