Top 3 của cuộc đua 100 dặm (160km) trên cung đường núi quanh Sapa năm nay có hai VĐV Việt Nam. Ngoài Nguyễn Tiến Hùng - chân chạy nổi tiếng với biệt danh Hùng Hải, còn có Chu Văn Hảo về đích ở vị trí thứ ba với thời gian 29 giờ 57 phút 44 giây. Anh về sau Hùng Hải 2 giờ 39 phút.
Hùng Hải về nhất cự ly 160km nam Vietnam Mountain Marathon 2024 sáng 30/11. Ảnh: Vietnam Mountain Marathon
Về thứ hai chung cuộc là Sange Sherpa với thành tích 29 giờ 03 phút 49 giây. Sherpa sinh ra ở một ngọn núi trên dãy Himalaya và là tên tuổi lớn của giới chạy ultra trail châu Á. Trong năm 2024, anh đã tham gia hơn 10 cuộc đua cự ly trên 100km trên khắp thế giới, từ Hong Kong, Thái Lan, tới Thụy Sĩ, UTMB... và đều giành thứ bậc cao. Hồi tháng 7, Sherpa về nhất tại Cameron Ultra 2024 ở cự ly 100km, rồi về nhì cự ly 160km ở Montreux Trail Festival.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Hùng Hải thắng Sange Sherpa tại Vietnam Mountain Marathon (VMM). Năm 2023, cuộc đua 100km tại Sapa cũng chứng kiến màn rượt đuổi gay cấn tranh chức vô địch và Hùng Hải chạm đích trước đối thủ 10 phút. Năm nay, tại nhiều check-point (trạm dừng chân trên đường chạy), Sherpa vượt lên dẫn trước nhưng đã để thua Hùng Hải ở những chặng cuối.
VMM 2024 ghi dấu lần thứ hai Hùng Hải tham gia cự ly 160km và giành thành tích cao. Năm 2022, anh về nhì chung cuộc với thông số 24 giờ 54 phút 32 giây, xếp sau chân chạy người Bình Định Quang Trần.
Do ảnh hưởng của bão Yagi, Vietnam Mountain Marathon 2024 phải lùi lịch tổ chức từ tháng 9 sang ngày chạy mới vào cuối tháng 11. Đây là giải chạy địa hình núi dài nhất Việt Nam, với các cự ly 10km, 21km, 50km, 70km, 100km và 160km - vòng quanh Sapa - vùng núi nằm ở phía Bắc nước ta.
Sherpa (phải) nhận kỷ niệm chương cho người về nhì cự ly 160km nam Vietnam Mountain Marathon 2024. Ảnh: Vietnam Mountain Marathon
Năm 2022, lần đầu cự ly 160km được tổ chức, tỷ lệ DNF (không hoàn thành chặng đua) lên tới 39,4%. Một nghiên cứu được đăng trên Irunfar vào đầu năm nay, với mẫu số là 25 giải trail lớn trên thế giới, cho thấy hơn 50% số giải (13) có tỷ lệ DNF của cự ly 160km ở mức 30 tới 39%, 6 giải ở mức 40 tới 49% và 3 giải ở mức 50 tới 59%. Như vậy, độ khó của VMM ở mức trung bình cao.
Để ghi danh tham gia cự ly 160km, VĐV phải đạt tiêu chí từng hoàn thành ít nhất một cuộc đua ultra địa hình từ 70km trở lên, với độ cao đạt được tối thiểu 3000m. Năm 2024, hơn 220 VĐV tham gia cự ly 160km. Đây cũng là lần thứ hai VMM có cự ly 160km, sau lần thứ nhất cách đây hai năm.
VMM được các chân chạy hàng đầu yêu thích bởi đường chạy trải dài trên những dãy núi cao của Công viên quốc gia Hoàng Liên và rất nhiều thung lũng quanh Sapa vốn ít người đặt chân tới. Các VĐV được trải nghiệm chạy qua làng mạc, các cánh đồng lúa, rặng tre, guồng nước... cùng những tiếng cổ vũ của người dân tộc thiểu số.
Cự ly 160km có tổng gain (mức tăng độ cao) lên tới 8.600m. Các vận động viên xuất phát lúc 4h ngày 29/11 tại Công viên Sapa, gần quảng trường Sapa. Điểm kết thúc của hành trình đặt tại Topas Ecolodge.
Top 3 nam 160km VMM 2024
Nguyễn Tiến Hùng (Việt Nam - 27:18:29) Sange Sherpa (Nepal - 29:03:49) Chu Văn Hảo (Việt Nam - 29:57:44)
Thùy Liên