Tổng thống đắc cử Donald Trump và Pete Hegseth, người được ông chọn để lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, đã cam kết sẽ cải tổ toàn diện quân đội Mỹ, làm dấy lên câu hỏi Lầu Năm Góc sẽ thay đổi như thế nào trong 4 năm sắp tới nếu ứng viên này được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Theo giới quan sát, có 5 lĩnh vực nhiều khả năng sẽ chịu tác động đáng kể từ kế hoạch của ông Trump và ứng viên Hegseth.
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington ngày 13/11. Ảnh: AFP
Trước khi được đề cử làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ, Hegseth từng lên tiếng phản đối phụ nữ phục vụ trong các nhiệm vụ chiến đấu.
"Tôi yêu quý các nữ quân nhân, những người đã đóng góp đáng kinh ngạc cho quân đội", Hegseth nói trong lần xuất hiện trên podcast hồi đầu tháng. Tuy nhiên, chỉ ba phút sau, ông lại khẳng định rằng không nên để phụ nữ đảm nhận vai trò chiến đấu. "Điều đó không làm chúng ta hiệu quả và uy lực hơn, mà chỉ gây thêm phức tạp", ông cho hay.
Một trợ lý quốc hội Mỹ hôm 25/11 trả lời ABC News rằng về mặt lý thuyết, nhánh hành pháp được quyền đảo ngược và hủy bỏ quy định cho phép phụ nữ phục vụ trong các đơn vị chiến đấu. "Quốc hội có thể soạn thảo đạo luật ấn định vĩnh viễn quyền tham gia chiến đấu của phụ nữ, nhưng hiện tại luật này vẫn chưa tồn tại", người này cho hay.
Lory Manning, cựu giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động vì Phụ nữ ở Mỹ, cảnh báo nỗ lực thông qua đạo luật như vậy vẫn là thách thức lớn và điều đó cũng là chưa đủ để đảm bảo quyền chiến đấu của nữ quân nhân. "Quân đội có thể phớt lờ đạo luật. Luôn có cách để lách luật", bà cho hay.
Số liệu thống kê từ Lầu Năm Góc cho thấy 17,5% quân nhân Mỹ tại ngũ hiện nay là phụ nữ, con số này trong lực lượng dự bị là 21,6%. Hàng nghìn nữ quân nhân đang đảm nhận các vai trò chiến đấu.
Quân đội Mỹ cho phép phụ nữ nhập ngũ từ năm 1948, nhưng giới hạn về tỷ lệ nữ giới trong lực lượng và cấm họ trực tiếp chiến đấu. Đến năm 1990, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Les Aspin cho phép nữ giới phục vụ với tư cách phi công trong mọi tình huống, kể cả chiến đấu.
Không có thay đổi nào trong hai thập kỷ tiếp theo. Đến năm 2013 và 2016, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ gồm Leon Panetta và Ash Carter đã dỡ bỏ "quy tắc loại trừ chiến đấu trên bộ", mở đường để phụ nữ tham gia các đơn vị bộ binh trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến.
Đây đều là những quyết định chính sách, đồng nghĩa chúng có thể thay đổi bởi các lãnh đạo Lầu Năm Góc trong tương lai.
Hegseth khẳng định ông không phản đối phụ nữ làm phi công chiến đấu hoặc tham gia các nhóm tác chiến trên bộ, nhưng có thể đảo ngược quyết định của những người tiền nhiệm và ra lệnh cấm nữ giới tham gia một số đơn vị như bộ binh, đặc nhiệm.
Ứng viên bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sau cuộc họp tại Đồi Capitol ngày 21/11. Ảnh: Reuters
Hegseth cũng đề xuất sa thải hàng loạt tướng lĩnh hàng đầu, trong đó nổi bật là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân CQ Brown. Ông cũng kêu gọi cách chức những chỉ huy trong chiến dịch rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan năm 2021 và những người "góp phần xây dựng 'tối kiến' về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI)".
Tổng thống Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn pháp lý nếu muốn đuổi các tướng hàng đầu khỏi quân đội trong trường hợp họ từ chối yêu cầu từ chức, nhưng vẫn có quyền cách chức và điều động tới vị trí khác.
Các tướng 3-4 sao chỉ được giữ quân hàm khi đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao. Nếu bị bổ nhiệm vào vai trò với trần quân hàm thấp hơn, họ sẽ phải chọn giữa hạ cấp bậc hoặc giữ nguyên quân hàm và về hưu, kết thúc sự nghiệp quân ngũ.
Vào năm 2016, Lầu Năm Góc dưới thời tổng thống Barack Obama đã gỡ bỏ các hạn chế với người chuyển giới phục vụ trong lực lượng vũ trang. Một năm sau, ông Trump tuyên bố rằng người chuyển giới sẽ không còn được phục vụ công khai trong quân đội, do lo ngại về chi phí và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Chính sách này được thực hiện vào năm 2019, quân đội Mỹ yêu cầu những người chuyển giới phục vụ theo đúng giới tính sinh học trừ khi đã chuyển đổi hoàn toàn hoặc được hưởng chế độ miễn trừ theo chính sách thời Obama.
Năm 2021, chính sách của ông Trump bị đảo ngược dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, người chuyển giới tiếp tục phụng sự công khai trong quân đội và hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế liên quan.
"Điều đó mở đường cho những người nhập ngũ chỉ vì mục đích chuyển giới, cho phép họ không phải làm nhiệm vụ trong một năm và sử dụng liệu pháp hormone khiến họ không thể triển khai chiến đấu trừ khi quân đội đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc", Hegseth đề cập thay đổi dưới thời chính quyền Biden.
Sau khi nhậm chức tháng 1/2025, ông Trump có thể khôi phục lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội thông qua sắc lệnh hành pháp gửi tới Bộ Quốc phòng.
Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ quyền phá thai năm 2022, Lầu Năm Góc đã xây dựng chính sách cho phép nữ quân nhân đồn trú tại các bang cấm phá thai được tiếp cận thủ thuật này. Chính sách cung cấp thời gian nghỉ có lương, đài thọ chi phí đi lại đến bang khác để phá thai cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan.
Ông Trump có khả năng hủy bỏ chính sách này, do Tổng thống Mỹ có thẩm quyền quyết định các chính sách hành chính như nghỉ phép, đi lại và chăm sóc sức khỏe. Những vụ kiện vẫn có thể phát sinh nhưng cơ hội thành công thấp vì không có điều luật liên bang bắt buộc áp dụng chính sách chuyển bang để phá thai.
Lối vào Fort Liberty hồi năm 2023. Ảnh: AFP
Khôi phục tên các căn cứ đặt theo tên tướng Liên minh miền Nam cũng là một trong những thay đổi có thể diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ tháng trước tuyên bố sẽ khôi phục tên Fort Bragg, căn cứ đặt theo tên của tướng Braxton Bragg của Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ. Cơ sở này hiện được gọi là Fort Liberty, nằm trong loạt địa điểm quân sự phải áp dụng thay đổi hồi năm 2022 do mang tên lãnh đạo quân sự của Liên minh miền Nam.
Ông Trump có thể gặp thách thức do Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia của Mỹ năm 2021 đã thiết lập điều khoản yêu cầu xóa tên Liên minh miền Nam khỏi các cơ sở quân sự. Tuy nhiên, nó không xóa bỏ thẩm quyền đặt tên của nhánh hành pháp, để ngỏ khả năng xảy ra cuộc đấu giữa Nhà Trắng và quốc hội Mỹ nếu phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp trong tương lai.
Vũ Hoàng (Theo ABC News, AFP, Reuters)