Tại hội nghị lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Vành đai 2 TP HCM ngày 28/11, bà Nguyễn Thị Trung, ở 38/30A đường 147, phường Phước Long B, bị thu hồi 70 m2, cho biết mức đền bù dự kiến cho phần đất của gia đình là 31 triệu đồng mỗi m2.
"Giá này không phản ánh đúng giá trị của đất trong khu vực. Chúng tôi sẽ khó mua lại được đất ở mới, kể cả suất tái định cư rẻ nhất", bà Trung nói, cho biết đã thu thập được ba hợp đồng mua bán đất có công chứng nhà nước xác nhận, mức giá lần lượt mỗi m2 là 102 triệu đồng, 65 triệu đồng và 70 triệu đồng. Do đó, tính bình quân, bà đề nghị mức bồi thường phải là 75 triệu đồng mỗi m2.
Bà Nguyễn Thị Trung, người dân có đất bị thu hồi, ý kiến tại hội nghị, sáng 28/11. Ảnh: Lê Tuyết
Tương tự, ông Phạm Minh Mẫn, nhà tiếp giáp ba mặt đường số 8, Liên Phường và hẻm 50 ở phường Phước Long B, nói gia đình có 161 m2 đất bị thu hồi với giá đền bù dự kiến mỗi mét vuông 31 triệu đồng "là quá thấp".
"Tôi nghĩ mình mua đất ở đây an cư cả đời nhưng bây giờ nhà nước làm đường thì phải chịu. Tôi đồng tình chủ trương mở đường, không phản đối gì, chỉ mong tính lại giá bồi thường", ông Mẫn nói.
Theo ông, mảnh đất của gia đình có ba mặt tiền đường, hẻm 50 đã được người dân hiến đất mở rộng nên mặt đường cũng lớn. Chính quyền áp mức giá như các tuyến nhỏ là chưa phù hợp. Gia đình ông gồm ba thế hệ, nếu tiền bồi thường không mua được suất đất gần đó sẽ ảnh hưởng đến công việc, học hành của con cháu.
Không chỉ đề nghị tăng mức bồi thường, tại hội nghị, người dân còn cho rằng mức giá đất tái định cư cao, nhiều vị trí ở xa sẽ làm xáo trộn đời sống. Họ cũng đề nghị xem lại đơn giá bồi thường giữa đường Song hành xa lộ Hà Nội vì chênh lệch nhiều so với đường Nguyễn Văn Bá dù cách nhau không xa, cùng là đường lớn; dùng khu đất Sanofi trên đường Đặng Văn Bi phục vụ tái định cư...
Ông Phạm Minh Mẫn nêu ý kiến tại hội nghị, sáng 28/11. Ảnh: Lê Tuyết
Vành đai 2 qua TP Thủ Đức gồm hai đoạn, đoạn một dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội); đoạn hai từ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài gần 3 km.
Theo dự thảo phương án bồi thường, mức giá cao nhất khoảng 111,5 triệu đồng mỗi m2 đất ở, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Kế đến là đất ở có vị trí mặt tiền các tuyến Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Bi gần 102 triệu đồng mỗi m2; đất ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Bá có giá khoảng 100,5 triệu đồng mỗi m2...
Mức thấp nhất tại khu vực là hơn 26 triệu đồng mỗi m2, áp dụng cho đất trong các tuyến nhỏ. Đất nông nghiệp, mức bồi thường từ 7,78-9,4 triệu đồng mỗi m2 tùy vào loại đất và tuyến đường. Tổng diện tích thu hồi đất hơn 61 ha với 1.166 trường hợp bị ảnh hưởng. Thủ Đức dự toán tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ cho các hộ khoảng 7.600 tỷ đồng.
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết để có đơn giá bồi thường địa phương đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn tư vấn độc lập khảo sát, thu thập thông tin giao dịch đất đai trên thị trường.
Đơn vị này đã khảo sát hơn 120 vị trí, mỗi vị trí thu thập ba hồ sơ giao dịch do văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TP HCM cung cấp và chi cục thuế thẩm định. Tất cả đều được làm công khai. Khi thành lập hội đồng để thông qua khung giá bồi thường sẽ có đại diện người dân cùng tham gia, đưa ý kiến như một bên độc lập.
Hướng tuyến các đoạn còn lại chưa khép kín thuộc Vành đai 2. Đồ họa: Đăng Hiếu
Trả lời người dân, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết, cho biết sau khi địa phương có dự thảo phương án bồi thường đã tổ chức lấy ý kiến của từng người dân. Hiện hơn 230 hộ đã đồng tình và một số trường hợp có ý kiến khác.
"Điều đáng mừng là tất cả người dân đều đồng thuận với chủ trương làm đường, đó là động lực rất lớn. Vấn đề còn lại là tính giá bồi thường", ông Quyết nói.
Theo lãnh đạo TP Thủ Đức, địa phương "không tiếc gì với bà con nhưng phải đúng quy định". Tinh thần khi xây dựng khung giá bồi thường là tận dụng tất cả quy định có lợi nhất, tính toán, đo đạc đến từng gốc cây để xác định tài sản, công trình kiến trúc gắn liền với đất... từ đó có được mức giá tốt nhất cho người dân.
Hiện, giá bồi thường được đơn vị tư vấn xây dựng theo giá thị trường và đảm bảo không thấp hơn bảng giá đất điều chỉnh vừa được TP HCM ban hành. Trong khi đó, giá đất tái định cư được tính theo bảng giá đất để đảm bảo người dân có lợi nhất. Tuy nhiên, theo ông Quyết, người dân vẫn cứ thu thập các tài liệu thông tin giá đất theo thị trường và gửi lại cho ngành chức năng. Chính quyền sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn xem xét, tính toán lại.
TP Thủ Đức cũng đã chuẩn bị hơn 530 nền tái định cư, gần 450 căn hộ phục vụ nhu cầu tái định cư. Theo ông Quyết, người dân được tự lựa chọn vị trí tái định cư phù hợp với điều kiện của mình, trường hợp dự án có quá nhiều người chọn sẽ tổ chức bốc thăm. Địa phương cũng kiến nghị UBND TP HCM có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho một số trường hợp đặc biệt như: đất nông nghiệp xen cài, gia đình khó khăn, đông con...
Vành đai 2 dài 64 km bao quanh TP HCM được quy hoạch cách đây 17 năm, đến nay mới hoàn thành 50 km. Ngoài hai đoạn này được đầu tư bằng ngân sách, còn hai đoạn khác chưa khép kín. Trong đó, đoạn 3 cũng ở TP Thủ Đức, dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn còn lại (đoạn 4) ở phía nam thành phố, dài 5,3 km nối quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.
Lê Tuyết