Năm 2015, khi vẫn còn là công chức, ông Nguyễn Thu Bính, quê huyện Văn Lâm, Hưng Yên bắt đầu chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Mỗi lần đọc thông tin đâu đó cần xe chở người bệnh, hết giờ công sở ông lại nổ máy lên đường. Ông chạy xe xuyên đêm, nghỉ 1-2 tiếng rồi trở lại với công sở vào hôm sau.
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nghèo, nghe được nhiều câu chuyện éo le, năm 2017 ông Bính quyết định bán xe 7 chỗ, gom thêm tiền mua xe cứu thương. Trên xe, ông trang bị nhiều vật dụng không khác gì xe cứu thương chuyên nghiệp. "Tôi chuyển qua xe mới để không chỉ chở được bệnh nhân nghèo mà còn có thể chở cả người bệnh xấu số", ông Bính chia sẻ.
Những người ông Bính chở chủ yếu là bệnh nhi, bệnh nhân ung thư, kinh tế gia đình cạn kiệt theo năm tháng điều trị bệnh. Trong đó có không ít bệnh nhân bị bệnh viện trả về, đã mất hay thậm chí đột tử trong xóm trọ nghèo.
Ông Bính bên chiếc xe cứu thương tự sắm. Ảnh: Việt An
Đợt tháng 9, ông Bính nhận chở thi thể miễn phí cho hai người trú ở xã Phú Mậu, TP Huế bị chết do sạt lở đất tại phường Yên Ninh, TP Yên Bái. Quãng đường cả đi về hơn 2.000 km, nếu sử dụng xe cứu thương thuê, tiền phải trả có thể lên tới 100 triệu đồng. "Ai cũng ngại chở người chết, nhiều chủ xe trong lúc gia đình bối rối thì hét giá rất cao, thậm chí yêu cầu phải nộp trước 3/4 số tiền mới chở. Mỗi lần nghe thấy, tôi thấy rất xót xa", ông Bính chia sẻ.
Nhẩm tính mỗi chuyến đi tiền xăng cũng hết cả chục triệu, ông Bính chủ yếu tự bỏ tiền túi. Trên đường về, ông chủ động mời người thân bệnh nhân bữa cơm bụi. Nhiều khi chở người đã mất về tới nơi mới biết gia đình không có quan tài, ông lại chủ động bỏ tiền mua giúp, sau đó mới lên mạng nhờ phát tâm. Có gia đình khi chở về, dúi vào túi ông phong bì, ông cũng xin trả lại.
Cũng có không ít lần, trên hành trình di chuyển, xe hỏng giữa đường, nhưng để chuyến xe không bị gián đoạn, ông tìm mối liên hệ với những tài xế địa phương ngỏ ý chở nốt hành trình.
Để có tiền nuôi những chuyến xe 0 đồng, ngoài kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, ông Bính chủ yếu trích từ công việc buôn bán thuốc nam. Có thời điểm trong túi chỉ còn vài triệu đồng, nhưng khi có người nhờ, ông vẫn sẵn lòng.
Ông Bính cho rằng việc làm thiện nguyện được thuận lợi nhờ một phần lớn tới từ sự ủng hộ của vợ con. Đợt mới bán xe 7 chỗ sang xe cứu thương, nhiều khi có việc, cả gia đình ông vẫn phải di chuyển bằng xe này. "Nếu không có vợ ủng hộ, tôi khó có thể tiếp tục công việc vác tù và tới gần 10 năm", ông Bính chia sẻ.
Nhằm tiết kiệm chi phí, trên mỗi hành trình, ông Bính đều chủ động đăng tải thông tin lên mạng tìm người có nhu cầu đi xe, nhất là khi chiều về còn trống. Có lần ông Bính chở một lúc 7 bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh về huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Bệnh nhân tháng nào cũng phải xuống Viện Huyết học để truyền máu duy trì sự sống nên hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là lại người đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau nhiều năm chạy xe 0 đồng, ông Bính gặp không ít tình huống buồn lòng. Có lần chở bệnh nhân về Thanh Hóa, khi tới nơi ông mới thấy hoàn cảnh gia đình không khó khăn như khi nghe trình bày ở bệnh viện. Rút kinh nghiệm sau đó ông chỉ chở bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, nông thôn.
Ngoài việc thường xuyên chia sẻ thông tin lên những hội nhóm trên mạng xã hội, ông Bính cũng để lại số liên hệ tại nhiều phòng công tác xã hội tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội để khi có bệnh nhân sẽ được phía viện thông báo.
Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết ông Bính đã tham gia nhiều chuyến xe 0 đồng tại bệnh viện, chủ yếu là chở bệnh nhân đã qua đời về nhà với tên gọi "chuyến xe cuối cùng". "Chỉ cần bệnh viện nhờ giúp là ông Bính sẵn sàng lên đường", đại diện bệnh viện cho biết.
Bây giờ, dù tần suất chạy xe giảm do sức khỏe, mỗi tháng ông Bính vẫn chở ít nhất 5 chuyến xe, chủ yếu từ các huyện miền núi Thanh Hóa đổ ra mạn Đông, Tây Bắc. Ông cũng lập nhóm liên kết với tài xế ở nhiều nơi, xe chạy tới tỉnh nào sẽ có xe ở đó ra tiếp nối.
Việt An