Viêm phế quản là bệnh đường hô hấp, có thể do virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng... gây ra, xảy ra quanh năm, khó phòng ngừa. BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Phú hướng dẫn những cách phòng ngừa viêm phế quản cho trẻ dưới đây.
Giữ ấm cơ thể
Cơ thể bị nhiễm lạnh làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây viêm phế quản. Phụ huynh cần chú ý giữ ấm vùng cổ, ngực, bàn chân bé.
Trẻ nhỏ nên sử dụng thêm khăn choàng cổ, mũ len. Tuy nhiên, trẻ cần tránh mặc quá nhiều lớp quần áo vì điều này có thể khiến trẻ đổ mồ hôi, bị nhiễm lạnh ngược.
Bác sĩ Ngọc Phú khám cho bệnh nhi bị viêm phế quản. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Vệ sinh tai, mũi, họng thường xuyên
Hệ hô hấp của trẻ nhạy cảm, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus từ môi trường. Do đó, vệ sinh tai, mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn. Khi trẻ có dấu hiệu nghẹt mũi hoặc ho nhẹ, rửa mũi đúng cách giúp làm thông thoáng đường thở, giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành viêm phế quản.
Phòng tránh tác nhân gây hại từ môi trường
Khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất hoặc không khí ô nhiễm đều là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản. Phụ huynh nên giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Gia đình tránh đưa trẻ đến những nơi đông người hoặc khu vực ô nhiễm, nhiều khói bụi. Sử dụng máy lọc không khí trong nhà hoặc trồng cây xanh cũng là cách cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ đường hô hấp của trẻ.
Tăng cường sức đề kháng
Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp trẻ chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Do đó, phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất, nhất là vitamin, khoáng chất từ rau củ, trái cây tươi.
Trẻ sơ sinh cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để nhận được các kháng thể tự nhiên từ sữa mẹ. Nếu trẻ ở giai đoạn ăn dặm, hãy bổ sung thêm thực phẩm giàu kẽm, sắt, món ăn tăng cường miễn dịch.
Theo dõi sức khỏe của trẻ
Dù các biện pháp phòng ngừa trên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng theo dõi sức khỏe của trẻ vẫn là yếu tố then chốt, theo bác sĩ Phú. Khi bé có biểu hiện bất thường như ho kéo dài, sốt cao không giảm, thở khò khè, thở nhanh, thở co lõm ngực hoặc bỏ bú, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp