15 năm trước, một thử nghiệm vaccine HIV được thực hiện tại Thái Lan, đánh dấu lần đầu tiên khoa học tìm ra phác đồ chủng ngừa có hiệu quả. Kết quả công bố năm 2009 cho thấy, hai vaccine kết hợp giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV hơn 31%, khi đối chiếu với nhóm dùng giả dược.
Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, thử nghiệm vaccine được điều chỉnh để phù hợp với virus HIV lưu hành ở miền Nam châu Phi, phải dừng lại, do không ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng. Kể từ đó, mọi thử nghiệm vaccine HIV giai đoạn cuối sẽ gặp phải số phận tương tự.
Có nhiều lý do khiến việc phát triển vaccine HIV hiệu quả gặp nhiều khó khăn, trong đó phần lớn do bản chất của virus thường xuyên đột biến và khó xác định. Có hai thách thức khác được Healio đưa ra dưới đây:
Thiết kế lại thử nghiệm lâm sàng vaccine
Thuốc PrEP được đưa vào lưu hành trên thị trường khoảng hơn một thập kỷ, giúp nâng cao khả năng phòng ngừa HIV. Các thuốc mới cho phép người dùng giãn cách tần suất sử dụng, từ mỗi ngày lên vài lần một tháng.
Thuốc PrEP được cải thiện, đồng thời cũng tạo thách thức khi nghiên cứu vaccine. Kể từ khi thử nghiệm PrEPVacc bị dừng vào năm 2023, không có thử nghiệm vaccine HIV giai đoạn cuối được tiến hành. Nhiều người không chắc chắn các thử nghiệm trong tương lai sẽ như thế nào khi hiện có các lựa chọn thay thế, giúp phòng ngừa trong thời gian dài.
Ví dụ, thử nghiệm sẽ đánh giá hiệu quả vaccine đang được nghiên cứu ra sao, kết quả có thể chưa chính xác nếu người tham gia cũng đang sử dụng thuốc chống lây nhiễm. Vì vậy, các nhóm nghiên cứu phải thiết kế thử nghiệm vaccine cẩn thận hơn, mất thời gian hơn để hoàn thành, nhằm thu được dữ liệu tốt nhất.
Minh họa vaccine HIV thử nghiệm. Ảnh:Sam Moghadam Khamseh on Unsplash
Tăng hiệu quả vaccine
Các thử nghiệm trong tương lai cũng sẽ phải tính đến mức độ bảo vệ cao. Lý do, một vài thuốc PrEP đang thử nghiệm, có thể ngăn ngừa 96% các ca nhiễm HIV mới, dự kiến xin cấp phép cuối năm nay.
Hiệu quả của thuốc PrEP nâng cao tiêu chuẩn về hiệu quả bảo vệ cho các ứng viên vaccine trong tương lai. Nếu năm 2009, ngưỡng bảo vệ của vaccine HIV chỉ đạt 50%, hiện nay cần đạt tương đương thuốc PrEP.
Theo Healio, dù thuốc chống lây nhiễm có hiệu quả cao, song cũng có giá thành cao, đồng thời không thể thay thế hoàn toàn vai trò của vaccine. Ngoài ra, việc nghiên cứu thành công vaccine giúp cung cấp thông tin khoa học cho các lĩnh vực khác, tương tự việc phát triển vaccine mRNA cho Covid-19, hoặc phương án điều trị. Do đó, các chuyên gia vẫn đang tìm ra giải pháp để bào chế mũi tiêm phòng dành cho căn bệnh thế kỷ.
Tính đến tháng 3, thế giới đã theo đuổi vaccine HIV trong 21 năm, đầu tư khoảng 17 tỷ USD để nghiên cứu. Như vậy, trung bình mỗi năm thế giới chi khoảng 800 triệu USD để nghiên cứu vaccine này nhưng chưa có kết quả.
Theo các chuyên gia, HIV là mầm bệnh phức tạp nhất từng được phát hiện. Virus biến đổi liên tục khiến nghiên cứu khó khăn, vaccine thử nghiệm chỉ thúc đẩy hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể trung hòa, không thúc đẩy phản ứng chống mầm bệnh dựa trên tế bào miễn dịch. Trong khi đó, vaccine giúp cơ thể tấn công HIV theo nhiều cách và có thể vô hiệu hóa mọi loại biến thể.
Chi Lê